Thực trạng trẻ em bị rối loạn tâm thần do áp lực học tập đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Áp lực này không chỉ đến từ nhà trường, gia đình mà còn từ chính bản thân các em. Thời gian qua, không ít học sinh muốn tìm đến cái chết khi kết quả làm bài thi không tốt. Tình trạng này đã một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về áp lực thi cử.
Stress là vấn đề học sinh gặp phải nhiều nhất
Khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E) đã tiếp nhận khám nam sinh tại Hà Nội vì các rối loạn tâm thần do áp lực thi cử. Theo chia sẻ từ người nhà, sau kỳ thi vào lớp 10, học sinh này chán nản, không dám về nhà vì điểm số không như kỳ vọng. Sau đó, em đã dùng dao cắt tay và cổ để tự sát, gia đình phát hiện nên đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nguyên nhân gây stress ở học sinh hầu hết đến từ vấn đề học tập, thi cử.
Khi sức khỏe thể chất ổn định, bệnh nhân được chuyển qua điều trị sức khỏe tâm thần. Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng Khoa Sức khỏe Tâm thần cho biết, nam sinh này bị rối loạn cảm xúc, có chỉ định điều trị.
Trước đó, ngày 2/7, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cứu sống bệnh nhân nam 15 tuổi, được vớt từ sông Hồng. Theo khai thác bệnh sử, người bệnh có sức khỏe bình thường, chỉ vì kết quả thi cử không như mong muốn nên đã viết thư tuyệt mệnh và nhảy cầu tự sát.
Lực lượng cứu hộ đã dùng ca nô kịp thời cứu nam sinh và đưa đến bệnh viện. Được biết, học sinh này trú ở quận Ba Đình (Hà Nội), vừa trải qua kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10 THPT, năm học 2023 – 2024.
Trường hợp khác là nam sinh lớp 12 đã rất buồn do làm bài không tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Em này đã mua thuốc uống tự sát sau khi có kết quả. Rất may, gia đình phát hiện sớm và đưa đi khám. Sau khi được điều trị, tinh thần em đã ổn định.
Trước đó, trên một hội nhóm hơn 280.000 thành viên với rất đông phụ huynh, một sĩ tử 2009 chia sẻ sự tuyệt vọng và cảm thấy con đường phía trước mịt mù khi thi trượt cấp 3 (công lập).
Hàng năm, cứ vào dịp này, các diễn đàn lại xuất hiện câu chuyện, lời tâm sự của những học sinh không thể ăn, ngủ kể từ khi biết bản thân thi trượt. Các em cho rằng mình là người thất bại, vô định khi nghĩ đến tương lai, sợ hãi và buồn bã khi thấy cha mẹ, ông bà thở dài…
Theo một nghiên cứu của Trường Đai học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, stress là vấn đề mà học sinh gặp phải nhiều nhất, chiếm gần 57%, sau đó đến lo âu và trầm cảm chiếm hơn 45%. Bên cạnh đó, học sinh còn gặp phải những khó khăn trong học tập, định hướng nghề nghiệp…
Một kết quả khảo sát khác tại TPHCM cho thấy, đến 97% học sinh từ 15 đến 18 tuổi bị stress nhẹ và gần 3% ở mức trung bình. Trong đó, nguyên nhân đa số đến từ vấn đề học tập, thi cử.
TS Đỗ Minh Loan, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, theo báo cáo của một số nghiên cứu tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%; trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%; trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6%; trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không hề nhận ra vấn đề nghiêm trọng này và sớm phát hiện tình trạng bất thường về tâm lý của con trẻ. Từ đó, trẻ bị trầm cảm ngày càng nghiêm trọng.

Cần định hướng, động viên con kịp thời
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Chung, áp lực đối với trẻ thường đến từ quá trình ôn thi. Kết quả thi không như mong muốn đã khởi phát những bệnh lý tâm thần. Các em sẽ có phản ứng cấp như stress, lo lắng, lo âu, mất ngủ, suy nhược thần kinh; nặng hơn sẽ có những rối loạn trầm cảm, nặng nề hơn là tìm tới tự sát.
Ngoài ra, một số trẻ khi chịu áp lực điểm thi có thể tìm tới chất kích thích để giải tỏa như bóng cười, cần sa, các chất hướng thần, đồ uống có cồn…
Các bác sĩ cho biết, dấu hiệu cảnh báo con trẻ đang có áp lực về điểm số là bỗng trở nên trầm tính, buồn vô cớ, hay khóc, thích ở một mình… Một số trẻ sẽ có triệu chứng bồn chồn, bất an, đi lại nhiều, đứng ngồi không yên.
“Khi con có điểm số không như kỳ vọng, gia đình nên chấp nhận thực tế, không phán xét, so sánh với các bạn khác. Nếu cha mẹ thấy con có những biểu hiện khác thường, hãy tâm sự, chia sẻ để cùng con giải quyết. Nhưng nếu tình trạng của con không chuyển biến trong vài ngày hay một tuần, cha mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ và nhà tâm lý”, bác sĩ Chung khuyến cáo.
Theo PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, sau mùa thi, tỷ lệ nhập viện chăm sóc sức khỏe tâm thần và lo âu trầm cảm, ý nghĩ tự sát của học sinh thường tăng.
Nguyên nhân có thể là cha mẹ đã đặt kỳ vọng lớn lên con. Khi các con nhận được kết quả không tốt, cha mẹ hay người thân đã có thái độ hoặc lời nói vô tình tạo thêm những áp lực vô hình cho con. Cũng có thể con đã có những dấu hiệu, hành vi thể hiện suy nghĩ tiêu cực nhưng cha mẹ không đủ nhạy cảm để nhận ra trong thời gian này.
Điều đó khiến đứa trẻ cảm thấy dường như mình đã ở bước đường cùng nên thu mình, không chia sẻ với ai sau thất bại. Các em sẽ chìm ngập trong những suy nghĩ tiêu cực và hoảng sợ.
PGS, TS Trần Thành Nam cho rằng, việc không có người đồng hành, giúp đỡ sẽ khiến các em bị “mắc kẹt” trong cảm xúc tiêu cực, cảm thấy mình vô giá trị mà tìm cách kết thúc, coi thất bại là dấu chấm hết của cuộc đời.
“Với những em có dấu hiệu thu mình và suy nghĩ tự tử, cha mẹ hãy ở bên, động viên, giúp con thay đổi cách nhìn nhận về thất bại như cơ hội học hỏi. Đừng bao giờ làm con bẽ mặt hoặc xấu hổ, hãy vẽ ra một tương lai tươi sáng cho con và nhắc nhở rằng điều kiện tiên quyết cho một tương lai tươi sáng là con cần phải sống”, PGS Trần Thành Nam nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc hối lỗi khi thi trượt là cảm xúc tốt.
Vì từ đó, các em có thể sẽ cố gắng làm tốt hơn. “Các em hãy chứng minh cho cha mẹ thấy, các em có thể làm tốt hơn nữa. Học trường nào không quan trọng bằng việc mình sẽ học thế nào, kết quả ra sao và sau này trở thành người thế nào”.
Một số thông tin mọi người có thể tham khảo:
Áp lực thi cử và những hệ lụy báo động